“Tại sao bạn muốn làm ở đây?" và câu trả lời hoàn hảo

Một câu hỏi quen thuộc nhất có thể lại là câu khiến bạn dễ mắc sai sót nhất. Tùy theo công việc, ngành nghề, hoặc hoàn cảnh khiến bạn ứng tuyển - hãy thử xem các phương án trả lời phù hợp nhất.

Đây là một câu hỏi thuộc dạng kinh điển trong phỏng vấn tuyển dụng, nhưng không phải ai cũng có câu trả lời hoàn hảo. Vậy hãy nằm lòng 3 cách trả lời sau, và nhớ là nói thật ngắn gọn:

1. Thể hiện mối quan tâm của bạn

Nhà tuyển dụng muốn hiểu điều gì ở họ đã khiến bạn bị thu hút và muốn làm việc cho họ. Vậy hãy liên tưởng đến những điều đặc thù về họ: sản phẩm, dịch vụ, giá trị cốt lõi hoặc thương hiệu… Ngày nay, không khó khăn để bạn tìm được những thông tin này từ trang web của họ. 

Nhưng làm thế nào để bạn thể hiện nó thật tự nhiên? Hãy tự lọc ra những điều mà bạn thật sự có cảm tình khi tìm hiểu. Ví dụ đó là một thương hiệu giầy phá cách, rất được những người đam mê hip-hop như bạn ưa thích? Hoặc bạn đã từng sử dụng dịch vụ và cảm thấy bị thuyết phục đến mức muốn trở thành một phần của hệ thống? Bạn cũng có thể đề cập đến giá trị cốt lõi của họ gần với giá trị quan của bạn, mục tiêu của bạn trong cuộc sống, đặc biệt nếu đó là những tổ chức phi chính phủ có tinh thần vì cộng đồng. Nói chung, nói đam mê không đủ, hãy giải thích vì sao bạn quan tâm đến nơi đang tuyển dụng.

2. Thể hiện thế mạnh của bạn

Bạn có thể thể hiện một chút về đam mê và thế mạnh bản thân. Công việc mà bạn đang ứng tuyển rất gần gũi với một thế mạnh, năng lực, kinh nghiệm mà bạn đã có, và có thể khiến bạn trở thành một nhân sự có năng lực hơn nữa. 

“Tôi luôn thích hỗ trợ thông tin cho người khác, giải thích cho họ về quy trình vận hành của một sản phẩm hoặc dịch vụ, vì thế tôi muốn làm việc ở call center. Mà quý công ty là một thương hiệu phổ biến nên chắc chắn tôi sẽ có nhiều điều để học hỏi”. 


Đừng ngại làm rõ mong muốn của bạn để tìm ra nơi làm việc phù hợp nhất

Hoặc “Tôi thích làm việc với câu chữ, và muốn xem ảnh hưởng từ những gì mình viết tới khách hàng, vì vậy UX content là lĩnh vực tôi muốn thử sức. Nhất là khi quý công ty vừa ra mắt một sản phẩm ứng dụng mới”... 
Hoặc “Tôi đã thiết kế thành công robot trong câu lạc bộ ở trường đại học, vì thế, tôi thực sự mong muốn có thể tham gia bộ phận nghiên cứu thiết bị vận hành của công ty”.

3. Thể hiện mục tiêu sự nghiệp của bạn

Bạn hoàn toàn có thể thể hiện tham vọng cá nhân. Nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn sẽ chẳng lựa chọn một vị trí mà bạn không có được cơ hội thăng tiến hoặc phúc lợi tốt, hoặc ít nhất là chức danh tương xứng với nhu cầu. 

Vậy hãy thẳng thắn: “Tôi đã từng thành công ở vị trí tương tự, và tôi thấy rằng vị trí này có thể mở ra cánh cửa phát triển cho tôi trong lĩnh vực hoàn toàn mới”. Hoặc “Tôi thấy đây là tập đoàn lớn, có nhiều phòng ban và quy mô hợp tác nước ngoài lớn. Tôi có thể học hỏi và phát triển năng lực cũng như có nhiều cơ hội thăng tiến hơn”. 

Tham vọng không phải là điều xấu, nếu bạn có thể gắn nó với những kinh nghiệm, năng lực tương xứng. Và bạn cũng nên tìm hiểu trước xem vị trí ứng tuyển có khả năng mở rộng cơ hội để đạt vị trí cao hơn trong tương lai gần, hay nhà tuyển dụng chỉ đang cần một người có năng lực vận hành cấp thấp, thay vì quản lý.

Tránh nói lý do bạn ứng tuyển chỉ đơn giản vì: mức lương, phúc lợi, chức danh công việc, hoặc bạn không thể kiếm được công việc nào khác. Sẽ là tốt nhất nếu câu trả lời của bạn cũng làm sáng tỏ được lý do “tại sao nhà tuyển dụng nên tuyển bạn”, tức là lợi ích của họ cũng nằm trong mong muốn của bạn.